Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

GOM NHẶT NHƯNG MẨU CHUYỆN

Còn đúng một tháng nữa là kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng Quảng Trị (19/3), tiếp sau đó một tuần là giải phóng Huế ( 25/3 ). Là anh lính Trị _ Thiên, mỗi năm cứ đến ngày này ký ức lại tràn đầy trong tôi. Tôi xin chia sẻ với các bạn trong Quansuvn.net về những ngày ấy, những trận đánh cuối cùng trong đời lính của tôi …Tất nhiên tôi sẽ chỉ kể cho các bạn nghe những gì tôi thấy, một người lính, một người tiểu đội trưởng của 34 năm trước.
Không biết phải bắt đầu từ đâu khi kể về một sự kiện, một chiến dịch hay một trận đánh. Với tầm hạn chế của anh lính cấp phân đội có lẽ tôi nên bắt đầu bằng những phần việc của người lính và học tập lối viết của bác baleo ( một thành viên Quansuvn.net ) là lật dở từng ngày một cho đến khi lá cờ xanh đỏ phất phới trên đỉnh Phú Văn Lâu.

CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NGÀY_ CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NĂM.

Đây là cái tít của chương III trong ký sự “ Bắc Hải Vân xuân 1975” của nhà văn Xuân Thiều. Bác Xuân Thiều đã viết về mùa xuân 1975 ở Trị Thiên với tư cách là cán bộ trợ lý phòng tác chiến của quân khu Trị Thiên. Ông có điều kiện tiếp cận các thông tin chiến dịch, quá trình chiến đấu của các đơn vị trong Quân khu và Quân đoàn 2 nên Ông viết ở tầm bao quát rộng nhưng cũng rất chi tiết và theo tôi là rất xác thực, điều này tôi cảm nhận được từ những gì ông mô tả các trận đánh của e4 chúng tôi ở Phong Điền, Quảng Điền. Chương này ông nói về không khí chuận bị chiến trường của toàn mặt trận Trị Thiên, còn tôi chỉ viết được những gì xảy ra quanh tôi, những gì nhìn thấy và trực tiếp làm, bởi ngay rất nhiều chuyện xảy ra trong cùng Trung đoàn, là người lính khi ấy, tôi không thể biết được.
Lùi lại nửa cuối năm 1974, e4 chúng tôi bắt đầu chuỗi những trận đánh ở tả ngạn sông Ô Lâu. Trung đoàn 2 sư 324 tập tành mấy tháng nay ở tuyến 2, nghĩ là để cùng vào trận với chúng tôi lại đột ngột biến mất, để lại một khoảng trống sau lưng chúng tôi. Tâm lý sợ lạnh lưng, hở sườn ông lính nào chả có, cả dải phòng tuyến hơn 20km chỉ còn có e4 , k10 (tỉnh đội) và lính C3 địa phương huyện Phong Điền. Phía tây bắc là bọn Trâu Điên ( lữ 258) phía đông nam là lữ 147, chúng tôi phải rút bỏ một số vị trí ( gài mìn để lại ) dồn về thượng Ô Lâu đánh các điểm cao 61, Không tên và bình độ 50. Những trận đánh này có nhiều câu chuyện thật đáng nhớ như: gói thuốc Điện Biên qua tay địch lại về tay ta vẫn còn 18 điếu, vì sao vậy? Những người biết nó vì sao đều đã chết trận ( ở cả hai phía ) trong đêm máu lửa ấy. Việc sử lý tù binh bị thương ra sao.v.v . Nhưng xin để dịp khác vì tôi đang muốn nói những cái liên quan tới mùa xuân năm 1975.
Bác Xuân Thiều nói cuộc chuẩn bị ba mười ngày, rồi ba mười năm thì là việc của bác ấy, tôi xin bắt đầu sự chuẩn bị của đơn vị chúng tôi từ sau những trận đánh mùa mưa năm 1974 ấy.
Tôi được đề bạt “ A phó” lần thứ hai, các bạn chớ nghĩ tôi bị kỷ luật nghe. Cái lần đầu tiên ấy là do có mấy bà văn công Quân khu về tiểu đoàn biểu diễn , lính tráng mừng rơn. Tôi vừa ở chốt về sau những ngày dài bám trụ, nghe tin cũng khấp khởi, từ ngày vào chiến trường đã bao giờ được xem văn công đâu. Thu Sen, Minh Nguyệt những cô văn công lừng danh Trị Thiên này chúng tôi mới chỉ được nghe về họ qua những giai thoại vui của lính, lần này họ sẽ về K15 chúng tôi, thật vui và háo hức vô cùng. Đùng một cái, hôm sau tôi có lệnh quay lại chốt, thay cho một cậu vừa lên thay mình, thật vô lý!. Bức xúc quá tôi lên gặp chỉ huy thắc mắc, đại đội không biết thế nào (?), hỏi trung đội, trung đội nói với với đại đội: tôi là A phó... Tranh luận, cãi vã với B trưởng cũng chẳng thay đổi được gì. Hôm sau tôi lại một mình trở lại trận địa. Ở cái trận địa có 4 thằng lính xa đơn vị nửa ngày dốc ngược thì có là văn công xung kích cũng chịu.

Không có nhận xét nào: