Thứ Sáu, 28 tháng 1, 2011

CHÁU NGOẠI



Cô cháu tôi mới được 20 tháng tuổi mà tinh nghịch và đã biết tếu táo. Tôi phải gọi nó là “ Cô cháu” cho mọi người biết nó là gái, vì coi ảnh nó như thằng con trai vậy. Sống ở bển, lại được bố mẹ rèn theo nếp Tây nên cũng ngoan, không quấy rầy nhõng nhẽo, đi ngủ một mình và rất đúng giờ.
Hoàn cảnh, bố mẹ đều bận lo học hành, đi làm kiếm cơm nên phải đi trẻ sớm. Buổi đầu đi trẻ không khóc, mấy hôm quen rồi cứ đến lớp là “ bai bai Bố” rồi chạy vào với các bạn. Hiếu động, ở lớp lại vui nên có vẻ thích đi học lắm.
Ở lớp có cái xe đạp cho các cháu chơi và tập đi, nó phù hợp cho các bạn ba tuổi lại khổ người châu Âu. Cháu tôi nòi thuần Á, nhỏ con, tuổi lại nhỏ hơn các bạn nhưng vẫn cứ đòi tập xe . Chẳng biết tập, chơi thế nào ngã vều cả môi, nom ảnh thấy ngộ ngộ thương thương.
Ở nhà, bị bố mẹ quản lý, không được xem và nghịch tivi, đầu đĩa nhưng cháu lân la thấy cụ nội làm rồi đợi lúc vắng người là bắt chước, tự lấy đĩa VCD ra khỏi bao và bấm để đưa đĩa vào được. Bố thấy, chạy ra mắng không cho nghịch, mở đĩa ra thấy nó đặt đúng cả mặt đĩa.
Cháu ăn chậm nhưng rất chịu ăn, thấy người lớn ăn gì là kêu “ Măm măm “, cũng đòi ăn. Tùy cái, bố mẹ cháu có thể cho ăn hoặc không nều thấy không tốt cho trẻ nhỏ. Một lần sau bữa cơm, bố cháu đứng ở bếp ăn một miếng Socolat, con bé nhìn thấy liền kêu “ măm măm” ra ý đòi ăn. Là loại socolat ngọt không tốt cho trẻ, bố cháu giấu thanh kẹo trong bồn rửa và ra hiệu không có gì để ăn cả. Con bé không “ măm măm” nữa mà kêu bố “ bế bế “, buộc phải bế con bé lên. Nó nhìn khắp lượt trên bệ bếp rồi chỉ vào bồn rửa khi thấy thanh kẹo. Ranh quái thế đấy ! Bố con bé thấy “ quê “ ...và không nhịn được nữa hai bố con cùng cười ran một góc nhà.
Từ ngày có cháu, tôi chưa gặp nhưng vẫn coi ảnh cháu mỗi ngày. Thấy nó lớn nhanh mà nhớ, mỗi lần bóc lịch đếm ngày, mong tết sớm về để được gặp cháu tôi.

LỠ HẸN.

Tạm xếp cái chuyện pháo phót này đi đã, tôi xin kể một kỷ niện trong những ngày đi học ấy, cái chuyện “săn bắn” của những anh lính đa tình ngày ấy.

Cái trung đội nữ du kích Do Linh cùng khóa chúng tôi, hàng ngày cùng ngồi một “ giảng đường” nên không khí học tập của lính ta cũng say sưa hơn . Chiều chiều sau giờ cơm, nhiều lính nhà ta lại mò sang cùng mấy o bên nớ tán dóc, rồi thơ thẩn chuyện mây, chuyện gió chẳng biết đi được đến đâu…Tiểu đội tôi có thằng Huấn tiểu đội phó, hắn nhập ngũ cùng tháng với tôi, quê Hải Dương. Tôi quí hắn vì trông hắn thư sinh, da trắng, tóc quăn, đẹp trai và có duyên lắm. Hắn cũng quí tôi vì cũng cao ráo, mác trai Hà Nội lại thoáng. Phải cái nó rất “máu” gái, suốt ngày sang chuyện trò với chị em du kích. Mỗi lần hội ý tiểu đội tôi cứ phải sang gọi, lâu dần tôi mắc chứng nghiện sang “gọi” nó. Phiền thế đấy các bác ạ.
Khi khóa học kết thúc thì hắn thân thiết lắm với một o tên B, còn tôi thân với o T. Ngày chia tay , lính hai bên lưu luyến lắm. Sau bữa liên hoan bế giảng, hai bên tràn sang nhau ghi lưu bút, tặng nhau này nọ.v.v Với ai không biết nhưng tôi với T dù đã khá thân nhau nhưng vẫn có khoảng cách. Đến hôm nay khi chia tay , chúng tôi hình như cùng cảm thấy mối tiếc lưu luyến thật sự. Ngày mai chúng tôi phải xa nhau và có thể là mãi mãi. Các O du sẽ về địa phương vào sáng hôm sau, buổi chiều khi ngồi nói chuyện với nhau, tôi hẹn với T là mai sẽ đến nhà thăm gia đình cô ấy và được T đồng ý…
Về gường, đêm ấy Huấn thủ thỉ :” tao hẹn B tối mai gặp nhau ở cầu xi măng “ . Biết chuyện hẹn hò của tôi, hắn lại bảo :”Về nhà làm gì, mất thời gian thưa mạ, thưa cha lắm, mai hẹn lại đi, tối cùng tao ra cầu xi măng ấy, không hơn à !.”. Thấy hắn nói có lý , sáng hôm khi các o du kích trở về địa phương, tôi qua tiễn và hẹn lại với T , tôi nói Huấn và B cũng hẹn ở cầu xi măng, cả lũ cùng ra cho vui .
Hôm đó sau bữa cơn chiều, tôi và Huấn mò ra cầu xi măng. Hai thằng ngồi trên thành cầu hồi hộp chờ đợi .Trời tối hẳn, sắp tới giờ “G” , chúng tôi càng nóng ruột, cứ đốt thuốc liên tục. Mắt hai đứa nhìn xa thẳm theo con đường đất dẫn ra biển, đã cuối mùa mưa, nhưng gió vẫn nặng hơi nước thổi về từ biển làm trời thêm tối, thêm lạnh. Xa xa đã thấy thấp thoáng ánh đèn, ngày một rõ. Tim tôi rộn lên, tôi tự nhủ lần này trước lúc chia tay phải mạnh dạn lên …Ánh đèn chập trờn trong gió, rạng dần. Chúng tôi bắt đầu nghe tiếng chân bước nhưng hơi lạ vì tiếng chân bước nghe nằng nặng , không bình thường. Hai thằng sốt ruột rời chỗ ngồi tiến về phía ánh đèn. Khi nhận ra được điều gì … thì bà mẹ đã kêu lên :” May quá! ..Các chú giải phóng ơi!.. Giúp mạ con tui với!..” Trước mắt tôi là một bà mẹ và một cậu bé chừng 14 tuổi. Trên vai hai người là một cáng võng. Cả hai người run run kiệt sức. Chúng tôi điếng người nhưng theo phản xạ hai thằng ghé vai đỡ cho họ. Tôi hỏi :” Bây giờ đi đâu hả mạ ? ”
- Nhà hộ sanh huyện. Bà mẹ đáp
- Đến nhà hộ sanh bao xa ? mạ ơi !. _ Huấn hỏi
- Độ chừng hơn tiếng nữa hai chú ơi ! _ Cậu bé trả lời thay bà mẹ
Chết chúng tôi rồi, hơn tiếng đi với hơn tiếng về thì hẹn hò chi nữa , chúng tôi có bay cũng không kịp quay về được. Làm sao đây, B và T đến sẽ không thấy chúng tôi mất rồi. Thằng Huấn đi sau tôi nói như than :” Mạ ơi ! Răng mà khổ thế…”
Bà mẹ cứ nghĩ nói về mình lại bảo :” Khổ chi nữa, chừ gặp được mấy chú giải phóng là may mắn cho mạ con tui lắm rồi.”
Tiếng rên của phụ sản trên võng làm chúng tôi quên hết mệt nhọc, cứ lao về phía trước theo ánh đèn của bà mẹ dẫn đường . Trong đầu thì luôn nghĩ đến B và T, hai O du kích bị chúng tôi “ xù”. Chắc họ sẽ trách chúng tôi lắm lắm.
Nhà hộ sinh huyện tối om không có điện, người trực bên trong là một cô gái trẻ người địa phương. Bên ánh đèn dầu yếu ớt, chúng tôi cùng gia đình làm các thủ tục cho phụ sản. Xong xuôi, hai đứa ra cái giếng ở đầu nhà, rửa chân tay, gột rửa bùn đất bắn vào quần áo rồi ngồi thần ra. Chúng tôi buồn bã nghĩ đến chuyện hẹn hò .Giờ này còn ai trên cầu nữa, hai đứa cứ ngồi nhìn bầu trời tối sậm chẳng biết nên làm gì lúc này.
Trong căn phòng sáng mờ mờ bỗng nghe tiếng oa oa. Cửa phòng bật mở, O y tá tay xách cái xô tôn chạy ra giếng , kéo mấy gầu nước giúp O, còn chưa kịp hỏi thì O đã nói :” Con trai, các eng ơi !”. Dù tối trời, tôi vẫn nhận ra nét rạng ngời của cô gái qua cử chỉ của mình. Nước đầy tràn mặt xô, O xách xô nước chạy ngược về phía căn phòng, bóng O bay bay, nước trong xô sóng sánh văng tóe trên đường chạy .
Chúng tôi ngồi đó bồi hồi khó tả, đã đến lúc phải về rồi, chào chú bé, công dân mới của Quảng Trị đau thương. Chuyện hẹn hò với hai O du kích sẽ không bao giờ có nữa, không kịp nữa rồi! Ngày mai chúng tôi phải lên đường vào mặt trận, để lại Quảng Trị biết bao vui buồn lưu luyến._( Chuyện xảy ra 12/1974 )

ĐI HỌC PHÁO

Lần phong miệng đó kết quả là tôi lại phải lên chốt, còn chưa kịp cắt cái tóc đã quá dài và mất một dịp được xem văn công hiếm hoi. Mấy bà văn công diễn xong đi, tôi lại là anh xạ thủ số 1_ 12ly “vác” và vẫn binh nhất. Thấy lạ có người hỏi, trung đội bảo tôi chưa được thử thách nhiều.
Lần phong này khác hẳn, có quyết định Hạ sĩ kèm theo và lệnh điều động đi học pháo ở Quân khu. Các bạn ạ, thế là sau 2 năm 2 tháng (8/1972_10/1974) tôi mới được lên một cấp đấy, làm anh lính ở hậu phương có khi còn được lên nhanh hơn những thằng lính trận chúng tôi khi ấy. Thực ra chúng tôi cũng không mấy quan tâm đến quân hàm quân hiệu vì dù có lên đến trung sĩ , thượng sĩ thì ở nhà mẹ già cũng lĩnh 12 đồng như nhau. Ở chiến trường nhu yếu phẩm cấp trung đội trở lên có hơn cũng chỉ hơn anh em khác hộp sữa, bao thuốc còn thì như nhau tuốt.
Cùng đi học với tôi có hạ sĩ A trưởng Lang Khùn ( một đồng đội người dân tộc Thái_Nghệ An, nhập ngũ 1971, đã tốt nghiệp lớp 10 PT ). Chúng tôi cùng lên gặp chính trị viên Sen trước khi rời đơn vị. Anh Sen dặn dò :” Tụi mi đều có văn hóa, gắng học nắm vững kỷ chiến thuật , về còn hướng dẫn anh em nữa.”
Chết thật ! Học pháo xong lại về biên chế của tiểu đoàn bộ binh nghe lạ quá. Mới nghe pháo là tôi đã mừng hú, chào bộ binh thôi, từ nay tôi đi đánh trận bằng xe xích, xe hơi rồi. Nghe chính trị viên đại đội nói, tôi chả hiểu là thế nào nữa (?). Lên đến trung đoàn, anh Phú trưởng ban pháo Trung đoàn bảo :” Các cậu cứ lo học đi, đừng thắc mắc.”
Phụ mấy lính vệ binh trung đoàn rong tám thằng thủy quân lục chiến bị bắt ở điểm cao 61 ra quân khu, Chúng tôi đi theo con đường rừng mới cắt ngược dòng Ô Lâu chừng nửa ngày là gặp đường 15N. Từ khi trung đoàn làm chủ dãy đồi Không Tên , Bình độ 50 và các điểm cao 61, 58, 70 phía tả ngạn sông, bắt đầu hình thành con đường mới đi ra Quân khu. Đi bằng con đường này, rút ngắn được hai ngày so với việc đi qua đường 71 lên Tam Dần.
Đi theo đường mới lại qua địa bàn hoạt động của tiểu đoàn , tôi xin anh Phú cho về ngủ một tối ở trận địa cối 82 của đơn vị ở Hòa Mỹ để chào và chia tay mấy đứa đồng hương Hà Nội. Những tưởng được ngồi với nhau trò chuyện, nào ngờ khi đến nơi thấy đồng đội của tôi đang chuẩn bị lên đường đi đánh trận : tập kích vào quận lị Phong Điền. Thấy đạn cối, liều phóng đã sẵn sàng, đầu nòng cối đã được quấn bằng những sơi dây cao su để giảm thanh. Vậy ra là tôi lại đến tiến bạn mình đi đánh trận, cũng chỉ kịp nói với nhau vài lời rồi chia tay Chinh và Chín, hai thằng bạn Hà Nội của tôi. Trời xẩm tối cả khẩu đội lên đường, họ phải luồn qua các bãi mìn và chốt địch để xuống đồng bằng, đưa cối xuống gần hơn mới bắn tới Quận lị Phong Điền. Tôi ở lại cùng thằng Ngọc anh nuôi. Suốt đêm không ngủ được, chúng tôi nằm đợi nghe tiếng súng nổ và hy vọng anh em về kịp trong đêm. Vậy mà im lặng đến sáng làm chúng tôi lo lắng, không hiểu chuyện gì đã xảy ra (?). Tôi nán lại, cố chờ vẫn không thấy ai về. Rồi cũng phải lên đường, tôi chào Ngọc rồi đuổi theo đoàn người ra Quân khu mà lòng đầy lo lắng.
Đơn vị tôi thường xuyên đánh những trận như thế, thường thì trận địa đã được chuẩn bị từ trước đó, cài người ở lại trông coi đến ngày đánh là kéo xuống , đánh xong rút về ngay trong đêm. Không hiểu vì sao đêm qua không đánh được, không biết có chuyên gì không ? Mong mọi sự may mắn cho anh em.
Đoàn ra QK lần này khá đông, hơn hai chục người. Nhóm đi học chúng tôi đi trước rồi đến tù binh, sau cùng là tổ vệ binh Trung đoàn. Đang vào giữa mùa mưa, nước sông cuộn đỏ đục ngầu, chúng tôi đi hàng một nối dài dọc theo con đường mòn ven hai bờ sông. Tù binh được chúng tôi cho mỗi đứa một vỏ bao gạo nilon Trung Quốc làm áo mưa, bát ăn là những vỏ hộp thịt cũ, mỗi ông một bao cát Mỹ ( loại sợi) làm gùi dựng đồ cá nhân, mũ thì tự kiếm, có đứa chưa kiếm được thì tạm lấy lá rừng mà che miễn không ướt đầu là được . Tù binh chủ yếu là người Nam bộ, trong đám tôi để ý có Ái người Cần Thơ rất hiền được mấy ông vệ binh nhà mình giao cho phụ trách, họ tự phân công mang gạo, thực phẩm ăn đường. Đến chỗ nghỉ tự nấu cơm và chăm sóc vết thương cho nhau. Cũng may mắn cho họ là Ái vốn là sinh viên y khoa năm thứ 2 nên các vết thương đều được Ái xem xét kỹ lưỡng và được thay băng cẩn thận sau mỗi ngày hành quân. Hầu hết họ là nông dân nên cũng rất hiền và tự giác chấp hành các qui định, tôi không nghĩ họ là lính thủy quân lục chiến.
Tối ấy nghỉ ở Đông Hà, qua đài tiếng nói Việt Nam tôi nghe được tin : Quân giải phóng Trị Thiên pháo kích vào quận lị Phong Điền, biết các đồng đội đã thực hiện trận đánh, kết quả không rõ nhưng cái tin này cũng làm tôi vơi bớt nỗi lo.
Tốp đi học pháo chúng tôi tách đoàn về Hà Thanh, Gio Linh. Lúc này mới biết mình học pháo mặt đất 57 ly nòng dài. Tôi buồn quá, pháo mặt đất gì mà có 57 ly, đúng là pháo “tét”. Tôi nhìn khẩu pháo , người “bạn” cùng những trận đánh sắp tới của tôi mà chẳng biết nói sao. Nòng bé tẹo, chỉ được cái dài ( 4m), hai bánh xe như hai bánh xe bò. Loại này cũ lắm rồi chứ mới gì. tôi nhớ ra là đã từng gặp nó trong các bộ phim Xô Viết thời chiến tranh vệ quốc. Quả đúng, thời đó nó là hung thần của các xe tăng Đức. Nản hơn nữa vì mấy hôm sau khi nhận các tân binh về tiểu đội thì bên nhà bên cũng xuất hiện một trung đội nữ du kích cùng tham gia lớp học với chúng tôi. Cứ nghĩ mấy thằng cùng nhập ngũ nó sang quân đoàn 2 mà thèm, vẫn tự an ủi , thôi mình cỡ lính quân khu, lính tỉnh cũng oách chán. Lo nhất học xong lại xuống lính huyện, lính xã thì chán chết.

GOM NHẶT NHƯNG MẨU CHUYỆN

Còn đúng một tháng nữa là kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng Quảng Trị (19/3), tiếp sau đó một tuần là giải phóng Huế ( 25/3 ). Là anh lính Trị _ Thiên, mỗi năm cứ đến ngày này ký ức lại tràn đầy trong tôi. Tôi xin chia sẻ với các bạn trong Quansuvn.net về những ngày ấy, những trận đánh cuối cùng trong đời lính của tôi …Tất nhiên tôi sẽ chỉ kể cho các bạn nghe những gì tôi thấy, một người lính, một người tiểu đội trưởng của 34 năm trước.
Không biết phải bắt đầu từ đâu khi kể về một sự kiện, một chiến dịch hay một trận đánh. Với tầm hạn chế của anh lính cấp phân đội có lẽ tôi nên bắt đầu bằng những phần việc của người lính và học tập lối viết của bác baleo ( một thành viên Quansuvn.net ) là lật dở từng ngày một cho đến khi lá cờ xanh đỏ phất phới trên đỉnh Phú Văn Lâu.

CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NGÀY_ CUỘC CHUẨN BỊ BA MƯƠI NĂM.

Đây là cái tít của chương III trong ký sự “ Bắc Hải Vân xuân 1975” của nhà văn Xuân Thiều. Bác Xuân Thiều đã viết về mùa xuân 1975 ở Trị Thiên với tư cách là cán bộ trợ lý phòng tác chiến của quân khu Trị Thiên. Ông có điều kiện tiếp cận các thông tin chiến dịch, quá trình chiến đấu của các đơn vị trong Quân khu và Quân đoàn 2 nên Ông viết ở tầm bao quát rộng nhưng cũng rất chi tiết và theo tôi là rất xác thực, điều này tôi cảm nhận được từ những gì ông mô tả các trận đánh của e4 chúng tôi ở Phong Điền, Quảng Điền. Chương này ông nói về không khí chuận bị chiến trường của toàn mặt trận Trị Thiên, còn tôi chỉ viết được những gì xảy ra quanh tôi, những gì nhìn thấy và trực tiếp làm, bởi ngay rất nhiều chuyện xảy ra trong cùng Trung đoàn, là người lính khi ấy, tôi không thể biết được.
Lùi lại nửa cuối năm 1974, e4 chúng tôi bắt đầu chuỗi những trận đánh ở tả ngạn sông Ô Lâu. Trung đoàn 2 sư 324 tập tành mấy tháng nay ở tuyến 2, nghĩ là để cùng vào trận với chúng tôi lại đột ngột biến mất, để lại một khoảng trống sau lưng chúng tôi. Tâm lý sợ lạnh lưng, hở sườn ông lính nào chả có, cả dải phòng tuyến hơn 20km chỉ còn có e4 , k10 (tỉnh đội) và lính C3 địa phương huyện Phong Điền. Phía tây bắc là bọn Trâu Điên ( lữ 258) phía đông nam là lữ 147, chúng tôi phải rút bỏ một số vị trí ( gài mìn để lại ) dồn về thượng Ô Lâu đánh các điểm cao 61, Không tên và bình độ 50. Những trận đánh này có nhiều câu chuyện thật đáng nhớ như: gói thuốc Điện Biên qua tay địch lại về tay ta vẫn còn 18 điếu, vì sao vậy? Những người biết nó vì sao đều đã chết trận ( ở cả hai phía ) trong đêm máu lửa ấy. Việc sử lý tù binh bị thương ra sao.v.v . Nhưng xin để dịp khác vì tôi đang muốn nói những cái liên quan tới mùa xuân năm 1975.
Bác Xuân Thiều nói cuộc chuẩn bị ba mười ngày, rồi ba mười năm thì là việc của bác ấy, tôi xin bắt đầu sự chuẩn bị của đơn vị chúng tôi từ sau những trận đánh mùa mưa năm 1974 ấy.
Tôi được đề bạt “ A phó” lần thứ hai, các bạn chớ nghĩ tôi bị kỷ luật nghe. Cái lần đầu tiên ấy là do có mấy bà văn công Quân khu về tiểu đoàn biểu diễn , lính tráng mừng rơn. Tôi vừa ở chốt về sau những ngày dài bám trụ, nghe tin cũng khấp khởi, từ ngày vào chiến trường đã bao giờ được xem văn công đâu. Thu Sen, Minh Nguyệt những cô văn công lừng danh Trị Thiên này chúng tôi mới chỉ được nghe về họ qua những giai thoại vui của lính, lần này họ sẽ về K15 chúng tôi, thật vui và háo hức vô cùng. Đùng một cái, hôm sau tôi có lệnh quay lại chốt, thay cho một cậu vừa lên thay mình, thật vô lý!. Bức xúc quá tôi lên gặp chỉ huy thắc mắc, đại đội không biết thế nào (?), hỏi trung đội, trung đội nói với với đại đội: tôi là A phó... Tranh luận, cãi vã với B trưởng cũng chẳng thay đổi được gì. Hôm sau tôi lại một mình trở lại trận địa. Ở cái trận địa có 4 thằng lính xa đơn vị nửa ngày dốc ngược thì có là văn công xung kích cũng chịu.

KHỞI NGUỒN KÝ ỨC

Ngày 07 tháng 01 năm 2009
Tình cờ vào trang Quansuvn.net, đọc ký ức của các cựu chiến binh trong chiến tranh biên giới thật xúc động. Mỗi câu chuyện của họ đều gợi nhớ trong tôi một thời đã qua, những ngày tháng tuổi trẻ của mình trong chiến tranh. Tôi đã để lại lời chào với các thành viên của trang Quân sử :
Tôi là CCB tại mặt trận Tri Thiên 1972_1975, Trung Đoàn 4 ( đoàn Phong Quảng ), Quân khu Trị Thiên Huế trong những năm chống Mỹ, khi chiến tranh BGPB trung đoàn 4 thuộc sư 337 Quân đoàn 14. Tôi đã đọc trang này thấy có thành viên linhmoi là lính cùng tiểu đoàn 1 ( K15) của tôi trước đây, chỉ khác thời kỳ thôi. Tôi rất thích tiêu chí của topic “ Một thời Máu và Hoa” nên xin được tham gia và cùng chia sẻ cùng các CCB trên mọi chiến trường .
Nhân đầu năm mới xin chúc các thành viên cùng gia đình mạnh khỏe
***
Hơn tháng sau trở lại trang quansuvn.net đã thấy một topic riêng “ Phong Quảng chào các bạn..”.
Tôi nhận được rất nhiều lời chào và thăm hỏi của các thành viên Quansuvn.net, các cựu chiến binh và nhiều bạn trẻ chưa từng một ngày làm lính, mọi người động viên tôi kể lại những chuyện của mình, kể về chiến trường Trị Thiên thời chống Mỹ.
Cựu chiến binh thời chống Mỹ vào trang Quansuvn.net thật hiếm hoi, chỉ vài ba người cũng bởi phần nhiều họ đã già và không phải ai cũng có điều kiện tiếp cận với máy tính. Thật tiếc cho cả cuộc chiến dài 21 năm với bao lớp người đã đi qua mà chỉ có vài ba người thuộc loạt chót chét như tôi tham gia vào Quansuvn.net.
Thôi thì biết gì viết nấy, không phải là chuyện văn chương mà tự lòng mình nói ra không chỉ cho riêng mình mà thay cho những đồng đội hôm này còn khó khăn bươn trải vì cuộc sống, thay cho những người đã ngã xuống hôm qua, vĩnh viễn nằm lại chiến trường cùng bao ước mơ, khát khao của tuổi trẻ...
Tôi bắt đầu tham gia Quân sử bằng những ký ức rời rạc của mình, không tuần tự thời gian, những câu chuyện nhỏ về người lính, sự thật của chiến tranh bằng cái nhìn của người lính khi ấy.

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2010

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010

Ở nhà bác Thọ. Chị Khanh, em Liên và bạn trai người Đức và em Hạnh, cô Vân .




















Cậu Bình và cô Hoa Thanh Quế.













Cây lan nhà cậu Bình.













Bàn thờ ông Ngoại.

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Thứ Hai, 14 tháng 9, 2009

Ảnh xưa









Đầu năm 1976













Năm 1977 Học viên ĐHKTQS chụp cùng Phan Hoàng

Thứ Năm, 10 tháng 9, 2009

Tặng một người viết không phải để thành nhà văn

Đọc những điều anh viết
Khi nào mắt cũng cay
Chiến tranh đã lùi rất sâu
Mà bao điều da diết mãi
Bạn bè không trở lại
Tình yêu không vẹn tròn
Sau nụ cười kia là những nỗi niềm
Chẳng dễ gì chia xẻ

Đọc những điều anh viết
Khi nào cũng nhói lòng
Thương trái tim mình khi ấy tháng năm
Một nửa luôn thức cùng mặt trận
Một nửa luôn thức nơi tiếng súng
Nơi mình gọi là quê hương
Nơi có người mình nhớ, mình mong

Đọc những điều anh viết
Thương thế hệ mình
Thương anh
Thương những người quen chưa biết
Thương cả mình
Suốt một đời không qua hết được
chiến tranh
Thương một phần trái tim
Cùng bạn bè ở lại
Mãi mãi
Trong lành
Mãi mãi…